Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ.
Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.
Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40
Được sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước.
Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá: "Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới".
Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”
Để thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ, một nửa thế giới, người ta thường tổ chức rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp. Ngày 8/3 cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.
Nhân kỉ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024) và 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trường Tiểu học Thanh Am cũng đã tổ chức một số hoạt động chào mừng nhằm tôn vinh những cống hiến, đóng góp trong sự nghiệp trồng người của các nữ giáo viên, nhân viên trong công đoàn nhà trường.
Buổi Sinh hoạt dưới cờ của toàn trường đã diễn ra trong không khí vô cùng vui vẻ, các tiết mục văn nghệ thể hiện rõ sự ngợi ca, bày tỏ niềm kính trọng đối với các nữ giáo viên trong công tác sự nghiệp.
Sinh hoạt dưới cờ: “Chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3”
Giới thiệu sách về Phụ nữ Việt Nam
Văn nghệ chào mừng ngày 8/3
Ngoài ra, Công đoàn nhà trường cũng đã tổ chức các hoạt động thể chất cho chính các nữ giáo viên- nhân viên trong nhà trường, nhằm nêu cao tinh thần đoàn kết, nâng cao sức khỏe, thể hiện rõ ý chí tinh thần của khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Tinh thần thể thao luôn sẵn sàng
Đội bóng đá Tiểu học Thanh Am
Tinh thần “quật khởi” Hai Bà Trưng
Đội thi kéo co Thanh Am
Sự cổ vũ nồng nhiệt chứng tỏ sức hút của các cô giáo
Với tinh thần Quốc tế phụ nữ 8-3 và tinh thần quật khởi Hai bà Trưng tin tưởng các nữ giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ phát huy truyền thống “năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, chủ động, tự tin vượt qua khó khăn, thách thức của cuộc sống để giữ được vẻ đẹp cả về hình thức lẫn trong tâm hồn. Mong rằng các chị em phụ nữ nói chung sẽ là những người phụ nữ thành đạt, là những người mẹ, người vợ hạnh phúc, mỗi giáo viên, nhân viên trong trường Tiểu học Thanh Am nói riêng sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tinh thần Hai Bà Trưng bất diệt, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác, thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2024.