Chắc hẳn rằng mỗi khi nhắc lại lịch sử hào hùng của kháng chiến chống thực dân Mỹ xâm lược, chúng ta sẽ không quyên một cung đường đầy hiểm nguy mà người ta gọi đó là “Tọa độ chết”. Tọa độ chết ấy chính là Ngã ba Đồng Lộc – nằm trên đường Trường Sơn thuộc địa phận xã Đồng Lộc – huyện Can Lộc – Hà Tĩnh.
Mảnh đất này, ngày 24/7/1968 đã ôm vào lòng mười cô gái thuộc tiểu đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ đường 15A. Tất cả các cô đều rất trẻ. Và sự hi sinh anh dũng của các cô là tấm gương sáng mãi với bao thế hệ người Việt Nam ta.
Hôm nay em xin giới thiệu tới các thầy cô giáo và các bạn học sinh cuốn sách “Chuyện kể về Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”. Nhân kỉ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.
Sách “Chuyện kể về Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”. Tác giả Hoài Lộc. Được in ấn tại Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2021, số trang sách 41 trang, in trên khổ 19x 26 cm.
Mời các thầy cô giáo và các bạn học sinh đến với những trang đầu của cuốn sách. Ta sẽ thấy tác giả cẩn thận kể lại từng chi tiết một câu chuyện có thật về mười cô gái ở tiểu đội 4 đại đội 552 tổng đội 55-TNXP, quá trình tìm về lịch sử cuộc ném bom ác liệt năm 1968 ở ngã ba Đồng Lộc.
Dưới ngòi bút chân thực, giản dị của tác giả, hình ảnh 10 cô gái hiện lên chân thực, xúc động với những bức chân dung mỗi người một nét riêng: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh. Các chị mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chung một chiến hào, chung một lí tưởng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để dành tự do cho dân tộc.
Ngã ba Ðồng Lộc với sự thật lịch sử, phản ánh một cách sinh động thế giới nội tâm với lòng khao khát yêu đời và tha thiết niềm tin vào ngày mai chiến thắng của các cô gái, dù trong tình huống ngặt nghèo của đạn bom hay trong những khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi…
Hôm ấy là ngày 24/7/1968, tiểu đội có chị Lê Thị Hồng được cử đi Quảng Bình lấy gỗ về làm hầm, còn chị Nguyễn Thị Thanh thì bị ốm nằm ở nhà. Còn mười thành viên tiểu đội đang chuẩn bị cơm chiều thì nhận được lệnh ra gấp Ngã ba Đồng Lộc để san lấp hố bom, sửa đường mà địch vừa thả bom, thông đường cho xe đi qua.
Vừa ngó trông máy bay, chị em rũ đất chuẩn bị lao ra khỏi hầm trú ẩn. Chưa kịp cầm cuốc xẻng thì tốp máy bay khác quay lại liên tục cắt những đợt bom dài. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ chát chúa khiến bầu trời Can Lộc như bị xé toạc ra.
Bất chợt một quả bom tấn từ máy bay Mĩ lao xuống nổ trùm lên căn hầm mà cả Tiểu đội ẩn nấp, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968, mặt đất nóng bỏng hừng hực, hàng ngàn khối đất đá sụp xuống. Từ đài quan sát, đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh cùng mọi người chạy xuống nhưng không thấy một ai. Trước mắt họ giờ chỉ là khói bụi mịt mùng và đất đá ngổn ngang.
Mọi người cẩn thận dùng tay đào bới cuối cùng họ tìm thấy thi thể của chín chị, cứ thế tất cả mọi người nghiến răng nín khóc, lần lượt đưa thi thể của chín chị lên. Họ kính cẩn, nâng niu đặt thi hài các chị lên chín chiếc cáng xếp một hàng ngang như khi cả Tiểu đội tập hợp lúc còn sống.
Nhưng còn thi thể một người nữa là chị Cúc – Tiểu đội phó thì chưa được tìm thấy. Sang ngày thứ hai đến ngày thứ ba mọi người làm lễ gọi hồn chị:
“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu sao không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Chỉ thiếu mình em
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng….”
Gọi em, gào em……………..khản cả cổ rồi!
Bài thơ gọi hồn vừa kết thúc thì gần 16 giờ ngày 26/7/1968, đồng đội tìm thấy thi thể chị Cúc ở trên đồi Trọ Voi trong tư thế đầu đội nón bẹp dí, vai còn vác cái cuốc, hai tay chị bầm giập, máu đọng lại đã khô.
Các đồng chí tiểu đội 8 cẩn thận dùng tay bới đất đưa thi thể chị Cúc lên. Đến lúc ấy lễ truy điệu của các chị mới được cử hành.
Quả bom ác nghiệt đã cướp đi sinh mạng của mười cô gái thanh niên xung phong khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã vĩnh viễn nằm lại mang theo cả tuổi thanh xuân của mình vào lòng đất mẹ. Sau này thi thể của các chị được chuyển về đồi Trọ Voi thuộc xã Đồng Lộc – Hà Tĩnh.
Các chị vĩnh viễn nằm lại bên nhau tại một khu đất cao, bốn mùa rì rào gió hát. Để ghi nhớ chiến công của mười cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972 các chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Khép lại cuốn sách “Chuyện kể về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc” nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí của mỗi chúng ta về hình ảnh của mưởi cô gái thanh niên xung phong quên mình chiến đấu, hy sinh vì mục đích cao cả, vì sự nghiệp độc lập dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước.
Chúng em những chủ nhân tương lai của đất nước, nguyện gắng sức học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ kính yêu.
Kính mời quý thầy cô giáo và các bạn học sinh hãy tìm đọc cuốn sách “Chuyện kể về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc” trong thư viện nhà trường để thêm hiểu, thêm yêu, thêm quý và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc ta!
Buổi giới thiệu sách tháng 12 nhân dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam đến đây xin được khép lại. Chúng em xin cảm ơn Quý thầy cô cùng các bạn học sinh đã chú ý lắng nghe.