Bốn năm đã trôi qua, ấn tượng về cô Hiệu trưởng ngày càng được tô đậm trong tôi. Cô là người tâm huyết với nghề và yêu thương học trò hết mực. Ngày tôi về, trường mới thành lập bộn bề khó khăn. Biết tâm lý giáo viên trẻ xông xáo, nhiệt huyết nhưng cũng dễ nản lòng, cô luôn tìm cách động viên chúng tôi. Câu chuyện về sự phấn đấu của cô, cũng từ những khó khăn, bỡ ngỡ, va vấp khi mới vào nghề rồi đi lên bằng ý chí, nghị lực quyết tâm của mình đã tiếp sức, “tiếp lửa” cho chúng tôi.
Yêu thương học trò như một tình cảm, tự nhiên sẵn có trong cô Vân. Cứ nhìn thấy học sinh đến trường vui vẻ, hào hứng là cô vui sướng. Vì thế, cô thường nghĩ ra những sân chơi bổ ích, sáng tạo, những hoạt động trải nghiệm để học sinh được thỏa sức thể hiện mình. Cô thường động viên giáo viên chúng tôi: Vì các con chị em mình chịu khó vất vả một chút nhé. Cô sát sao với từng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh. Tôi nhớ mùa đông năm ấy, khi có tin thời tiết rất lạnh chỉ trên 10 độ C, ngay buổi sáng hôm đó cô đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm cũng như tổ nhà bếp mua ngay phích giữ nhiệt và đun nước nóng để cho học sinh có nước ấm uống. Cô còn nhường cả cái phích nước trên phòng mình mang xuống lớp cho các con dùng. Cô đi đến từng lớp học đôn đốc, nhắc nhở cách giữ gìn sức khỏe cho học sinh trong những ngày lạnh giá. Cô luôn nỗ lực vì một môi trường học đường xanh sạch, an toàn, lành mạnh. Vậy nên mỗi góc sân trường, mỗi hành lang lớp học của trường tôi lại được tô điểm những bồn, những giỏ hoa xinh xinh. Cô bảo: Con trẻ sống gần gũi thiên nhiên tâm hồn sẽ phong phú hơn. Một cựu học sinh đã viết trong lưu bút của Nhà trường kể rằng: “Khi con phát hiện có một bác phụ huynh hút thuốc trong sân trường con đã mách cô Hiệu trưởng và cô đã mời bác phụ huynh lên phòng để nói chuyện. Từ đấy, mỗi lần đến đón con, bác ấy không hút thuốc nữa. Con rất vui khi được cô xoa đầu: Cảm ơn con đã góp sức cùng cô và Nhà trường xây dựng môi trường không có khói thuốc”.
Như một thói quen, sáng nào cũng vậy, bước xuống xe cô Vân không lên thẳng phòng mà thường đi một vòng quanh trường, gặp những học trò đến sớm cô dừng lại chuyện trò. Học trò nhìn thấy cô là ríu rít kể đủ thứ chuyện. Chả trách mà mỗi lần trường tôi đi biểu diễn văn nghệ, học trò cũ nhìn thấy cô Vân là reo lên từ xa: Cô Vân ơi, cô ra chụp ảnh với chúng con! Cưu học sinh về thăm trường, nơi đầu tiên các em đến là phòng cô Vân sau đó mới tỏa đi thăm cô giáo cũ. Có khi chỉ là vài cái bánh, đĩa kẹo thôi nhưng cô trò cười rôm rả.
Cô Vân rất coi trọng các buổi học ngoại khóa, các chương trình dã ngoại. Hầu như trong các hoạt động đó cô đều tham gia để có thời gian gần gũi hơn với học sinh và sau mỗi chuyến đi, cô lại tĩnh tâm ngồi nghĩ nghĩ xem có gì cần rút kinh nghiệm để lần sau tốt hơn.
Là người lãnh đạo, cô Vân luôn gương mẫu trong mọi việc. Tất cả các phong trào mà Phòng giáo dục và Nhà trường phát động đến giáo viên cô Vân đều gương mẫu đi đầu. Đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa, cô có mặt ở trường sớm để quán xuyến mọi việc. Những ngày trời mưa, cô nhắc giáo viên đến sớm hơn và ở dưới lớp để quan sát, nhắc nhở học sinhkhông đùa nghịch ngoài hành lang kẻo trơn ngã. Trong mỗi cuộc họp, cô luôn đến đúng giờ, không để giáo viên phải chờ mình và không sử dụng điện thoại. Cô luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh. Dù bận, nhưng cô vẫn dành thời gian đón tiếp phụ huynh khi có việc cần trao đổi. Cô từng căn dặn giáo viên trẻ chúng tôi: Một mối quan hệ tốt phải được xây dựng từ hai phía. Để được phụ huynh học sinh tôn trọng và yêu quý bản thân mỗi giáo viên phải cởi mở và tôn trọng phụ huynh.
Với cô Vân, một ngôi trường mạnh cần một tập thể gắn bó đoàn kết, giỏi về chuyên môn, chung một tấm lòng với trẻ. Trong các cuộc thi do Phòng Giáo dục của Quận phát động, cô không những chỉ đạo, phân công giáo viên trong trường lập kế hoạch thực hiện mà cô còn đến tận nơi chỉ bảo, hướng dẫn, chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Tuy vậy, cô không nặng về thành tích. Còn nhớ khi chúng tôi chuẩn bị cho hội thi cấp Quận, thấy cô trò có vẻ căng thẳng cô liền pha trò vui vẻ để giải tỏa. Trước giờ đi thi, cô quây học trò thành một vòng tròn rồi ôm lấy các con, tươi cười bảo:
- Có giải thì tốt, không được cũng chẳng sao vì trong mắt cô các con luôn là những người chiến thắng.
Liều thuốc động viên, khích lệ tinh thần ấy dường như lúc nào cô Vân cũng sẵn có và hào phóng tặng cô trò chúng tôi. Vì thế bước vào mỗi cuộc thi, cô trò đều cố gắng để có thành tích mang về tặng cô Hiệu trưởng đáng kính.
Thêm một đức tính ở cô Vân khiến tôi nể phục và học hỏi đó là sự kiên nhẫn, ý chí, khắc phục khó khăn, luôn trăn trở đổi mới, sáng tạo cách dạy học. Tôi vẫn còn nhớ như in trong năm học 2015- 2016, trường có áp dụng mô hình dạy học VNEN ở khối lớp 3 với mục đích để các em học sinh được tiếp cận phương pháp học mới có hiệu quả hơn. Phụ huynh học sinh chưa hiểu nên có ý kiến phản đối. Cô Vân đã tổ chức buổi họp phụ huynh dành riêng cho học sinh khối 3 để giải thích, phân tích, vận động phụ huynh ủng hộ và đồng hành cùng Nhà trường triển khai chương trình này. Công việc không dễ dàng khi một vài phụ huynh vẫn không đồng thuận nhưng bằng sự kiên trì và quyết tâm của cô Vân, bằng hiệu quả giảng dạy mà chương trình VNEN mang lại, cuối cùng thì 100% phụ huynh đều đồng ý. Nhiều phụ huynh còn rất cảm kích trước tâm huyết, ý chí của cô Hiệu trưởng sẵn sàng đối mặt và đương đầu với mọi khó khăn để học sinh của mình được “hưởng lợi”.
Là một Hiệu trưởng mẫu mực, nghiêm túc, công tâm trong công tác nhưng trong đời thường cô Vân là người mẹ, người chị sẵn sàng lắng nghe, thấu cảm và chia sẻ với những nỗi niềm vui buồn trong cuộc sống của chúng tôi. Trái tim nhân hậu ấy còn vượt qua khuôn khổ trường học để đến với cộng đồng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, cô Vân đã tham gia hiến máu từ khi còn rất trẻ. Cô kể: “Lần đầu tiên đi hiến máu, trong lòng cũng rụt rè, lo lắng vì bản thân mắc chứng huyết áp thấp, dễ chóng mặt, nhưng sau khi nghe các bác sĩ tư vấn, giảng giải, các tình nguyện viên chia sẻ, mình đã hiểu và nhận thấy hiến máu là việc nên làm và thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc.”
Từ đó, hoạt động hiến máu tình nguyện được cô Vân thực hiện thường xuyên. Với cô Vân, những giọt máu cho đi có thể cứu sống một bệnh nhân trong cơn nguy kịch, giữ lại hạnh phúc trọn vẹn cho một gia đình. Chính vì vậy nên cô luôn sẵn lòng san sẻ. Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, với tư cách là một người đứng đầu, cô còn thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, bạn bè, người thân cùng tham gia hiến máu tình nguyện. Nhờ đó, phong trào hiến máu nhân đạo của trường Tiểu học Thanh Am luôn vượt chỉ tiêu được giao, được Hội chữ thập đỏ phường Thượng Thanh và quận Long Biên biểu dương khen ngợi. Cá nhân cô Vân đã được trao tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện của thành phố Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, với tôi cô Nguyễn Thị Thúy Vân là một tấm gương sáng chói để thế hệ giáo viên trẻ soi mình. Và mỗi lần nhìn vào tấm gương của người thuyền trưởng đáng kính ấy, tôi tự thấy mình cần phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với danh hiệu vinh quang:“Nhà Giáo”.