Đánh thức tư duy và khích lệ học trò
Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành sư phạm năm 1989, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Xuân về nhận công tác tại Trường tiểu học Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội. Sau một thời gian, nữ giáo viên chuyển sang Trường tiểu học Thượng Thanh, quận Long Biên. Đầu năm 2012, cô giáo Nguyễn Thị Xuân quyết định gắn bó phần sự nghiệp “trồng người” còn lại của mình với mái Trường Tiểu học Thanh Am, quận Long Biên. Đơn giản bởi với một ngôi trường non trẻ như Trường Tiểu học Thanh Am thì rất cần những người tâm huyết như cô giáo Xuân.
Không bằng lòng với chính mình, cô giáo Xuân luôn đề cao tinh thần học hỏi, vượt mọi khó khăn để được học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Thế nên đến nay, cô đã tốt nghiệp trường Đại học sư phạm, bằng tin học, tiếng Anh, tổ trưởng chuyên môn…
Giờ đây, sau gần 30 năm đứng trên bục giảng với biết bao thế hệ học trò đã đi qua nhưng niềm canh cánh đối với cô giáo Chủ nhiệm lớp 5A2, Trường Tiểu học Thanh Am vẫn là “Dạy dỗ thế nào để phát huy tốt nhất khả năng học tập của từng học sinh thân yêu”. Cái câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy, song nó cứ bám diết lấy cô Xuân và đòi hỏi phải có một câu trả lời thuyết phục bằng thực tiễn.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Xuân chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đối với một giáo viên tiểu học là phải coi học sinh như con của mình. Dạy dỗ các con bằng tấm lòng người mẹ theo phương châm “Bắt buộc học không bằng thích mà học. Thích mà học không bằng say mà học”. “Tôi luôn trăn trở làm thế nào để học sinh thích thú say mê học tập. Đó là phương châm trong giảng dạy của tôi” – cô giáo Xuân khẳng định.
Theo nữ giáo viên đã gần 30 năm trong nghề, ngoài việc phải luôn tự trau dồi kiến thức sư phạm, tích lũy kinh nghiệm từ những đồng nghiệp thì cô còn thường xuyên vào mạng internet để tham khảo những bài giải toán hay được cộng đồng giáo viên cả nước chia sẻ.
Cô tâm sự: “học sinh bây giờ ăn uống đủ chất nên nhiều con thông minh, giỏi giang lắm. Nếu mình không trao dồi kiến thức thường xuyên, phương pháp giảng dạy không thích hợp sẽ vô tình làm “thui trột” tài năng của các con.” Trong lớp gần 40 học sinh với trình độ tiếp thu khác nhau. Làm thế nào để vẫn phát huy được trí lực học sinh năng khiếu những vẫn không “quên mất” những học sinh chậm tiếp thu?
Nghĩ vậy nên mỗi câu hỏi cô Xuân đưa ra cho học sinh đều có ý phân loại. Thông thường câu hỏi để học sinh khám phá kiến thức mới, phát triển tư duy dành cho học sinh năng khiếu, câu hỏi dễ hơn dành cho học sinh tiếp thu chưa nhanh. Với cách làm đó, bạn nào cũng tự tin hơn trong việc lĩnh hội kiến thức.
Để học sinh có thói quen cẩn thận, tư duy logic, cô Xuân luôn yêu cầu học sinh phải đọc kỹ đề bài, tóm tắt được nội dung, phân tích các dữ kiện, rồi lần từ câu hỏi đề tìm hướng giải. Ở mỗi bài toán khó, cô luôn đánh thức tư duy học sinh bằng kiểu câu hỏi: “Với đề bài này,con sẽ giải quyết thế nào? Còn cách nào khác không? Cách nào hay? Vì sao?”… Từ những gợi mở như vậy, cô Xuân dần dẫn dắt học trò của mình cách đặt vấn đề và giải quyết các bài toán từ dễ đến khó trên cơ sở đầy logic, khoa học.
Chia sẻ với chúng tôi, nữ giáo viên giàu kinh nghiệm bậc nhất Trường Tiểu học Thanh Am khẳng định: “Phương pháp giải toán, học tập theo nhóm rất hay. Nó không chỉ giúp học sinh dần hình thành thói quen chủ động, sáng tạo mà còn phát huy được tính tập thể, đoàn kết trong lớp học. Đặc biệt, phương pháp học tập theo nhóm còn giúp học sinh tự học hỏi lẫn nhau theo phương châm “đôi bạn cùng tiến”, “học thầy không tày học bạn”.
Dù vậy, theo cô giáo Xuân, để tránh trường hợp học sinh không hiểu bài, hổng kiến thức, cuối mỗi bài toán, mỗi tiết học, giáo viên đều khắc sâu lại kiến thức bằng các câu hỏi củng cố như: “Tại sao làm thế này mà không phải thế kia?”, cô cho rằng học sinh trả lời được những câu hỏi Tại sao? mới là hiểu bài. Trường hợp học sinh nào còn “lơ mơ” thì giáo viên sẽ lập tức bổ trợ thêm ngay.
Tạo sự hứng thú trong từng tiết học
Với kinh nghiệm của một người có hàng chục năm gắn bó với lứa tuổi “ô mai” và cũng là chặng đường học tập đầu đời của mỗi con người, tâm sự với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Xuân bảo rằng: “Điều quan trọng nhất để học sinh tiếp thu bài học một cách hiệu quả chính là tâm lý và tâm thế học tập của các em trong lớp. Vì thế người giáo viên cần phải tạo được hứng thú học tập cho học sinh”.
Trăn trở với triết lý giáo dục ấy, thế nên mỗi khi đứng trên bục giảng hay bất kỳ thời điểm nào tiếp xúc với học trò, cô giáo Xuân đều không bao giờ bỏ qua những biểu hiện, thái độ của từng học sinh. Chẳng hạn như khi các em liên tục thở dài, ngáp ngủ hay uể oải… Điều này đồng nghĩa với việc học sinh không hứng thú tiếp thu bài. Khi đó, giáo viên sẽ lập tức phải chuyển đổi chủ đề hoặc cách thức chuyển tải bài giảng.
Và theo cô giáo Chủ nhiệm lớp 5A2, Trường Tiểu học Thanh Am, sự hứng khởi học tập của học sinh không chỉ bó gọn ở môn toán hay Tiếng Việt mà trong các môn học khác cũng luôn cần tới nó. Bởi tiềm năng, sáng tạo của mỗi con người là vô tận và mỗi người đều có thế mạnh riêng. Vì thế nếu chúng ta biết khơi gợi đúng lúc, tài năng của các em sẽ được phát huy tối đa.
Dẫn chứng về sự hứng khởi học tập sẽ đem lại kết quả tốt, cô hân hoan chỉ cho chúng tôi sản phẩm của học sinh lớp cô tặng các thầy cô giáo nhân ngày 20/11- Sản phẩm của bài học rèn kĩ năng sống với bài: Tận dụng đồ bỏ đi – Đó là bức tranh được làm từ những chiếc khuy áo thể hiện niềm tự hào của các em về Trường Tiểu học Thanh Am đang trên đà phát triển mạnh được cô Hiệu trưởng treo ở vị trí trang trọng trong phòng làm việc của cô.
Sản phẩm bài học: Tận dụng đồ bỏ đi
Không chỉ thế, ở lớp, cô luôn tạo phong trào thi đua về các mặt học tập và rèn luyện. tạo môi trường để học sinh bộc lộ tài năng của mình như: Trao quyền cho các con bình chọn cán sự bộ môn, tự tạo ra chủ đề, tự trang hoàng lớp học, tự đưa ra hình thức thể hiện chương trình chào mừng ngày lễ ý nghĩa như :Đại hội chi đội, 20/11, tết Noel…và cô đóng vai trò là “ Khán giả - Phan hâm mộ” cổ vũ, khích lệ, động viên,bình luận, định hướng cho các con đi đúng đường lối. Cứ thế các con hào hứng thể hiện tài năng của mình một cách rất tự tin.
Tập thể lớp 5A2 cùng cô giáo trong ngày học đầu tiên năm học 2017-2018.
Chia sẻ về kinh nghiệm nắm bắt, kiểm tra tình hình học tập, ôn bài ở nhà của con cô giáo Xuân bật mí: “ Văn ôn võ luyện, đó là điều rất cần thiết với mỗi học sinh. Làm thế nào để hướng các con vào hoạt động học tâp, xa rời trò chơi điện tử, gần gũi, chia sẻ với bố mẹ hoạt động học tập nhiều hơn. Bằng kinh nghiệm của người mẹ có 2 con đã trưởng thành, tôi thường chia sẻ với phụ huynh cách giúp con ôn bài”.
Cô Xuân nêu ví dụ, hàng ngày vào những thời điểm thích hợp (cùng con đi bộ, cùng con nấu ăn, cùng con dọn dẹp nhà cửa…) phụ huynh nên hỏi con những câu mà ai cũng có thể hỏi được như: “Hôm nay, con học những tiết gì? Tiết toán con học bài gì? Làm thế nào để tính diện tích hình tam giác?... Nếu chưa nhớ thì ôn lại bài rồi cho mẹ biết với nhé.” hay những câu hỏi mang tính đố vui như “Làm thế nào để tính diện tích mặt bàn ăn nhà mình”; “Từ nào trong tiếng Viết thêm hoặc bớt dấu đều không thay đổi về mặt ý nghĩa”.
Thậm chí cha mẹ có thể nêu ra một vế trong những câu ca dao, tục ngữ, rồi đố con hoàn thiện vế tiếp theo… Những câu hỏi đó, tuy đơn giản, nhẹ nhàng và vui vui nhưng thực sự khá hiệu quả. Bởi nó sẽ giúp các con vừa ôn lại được kiến thức trên lớp, nhớ lâu, nhớ kỹ và đặc biệt trên lớp phải chú ý nghe cô giảng bài để về nhà còn kể cho mẹ nghe. Cứ thế các con không chỉ hào hứng học trên lớp mà còn hào hướng ôn bài ở nhà nữa.
Tiếp xúc với chúng tôi và khi được hỏi về những thành tích, danh hiệu trong mấy chục năm gắn bó với lớp lớp thế hệ học trò thân yêu, cô giáo Chủ nhiệm lớp 5A2 Trường Tiểu học Thanh Am chợt nở một nụ cười hiền hậu, rồi bảo: “Có một danh hiệu mà tôi luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt được nhưng….?”. Trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, cô Xuân lập tức lý giải: “Đơn giản đó là danh hiệu “ Cô giáo giỏi việc nước,đảm việc nhà”.
Dù vậy, ở cuối buổi trò chuyện khá bất ngờ này, nữ giáo viên có gần 30 năm gắn bó với học sinh bậc tiểu học cũng đã chia sẻ thêm, 2 lần cô Nguyễn Thị Xuân vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua; 2 lần đạt giải Giáo viên giỏi cấp quận; 2 lần được Ngành Giáo dục TP Hà Nội công nhận sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy và còn nhiều danh hiệu khác như giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên viết chữ đẹp…
Trong khi đó, nói về người đồng nghiệp và cũng là cấp dưới của mình, cô Nguyễn Thị Thúy Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Am ngắn gọn: “Tập thể giáo viên của trường đánh giá cao năng lực của cô Xuân ở chỗ luôn trao quyền tự chủ cho học sinh trong quá trình học tập. Học sinh của cô đều chủ động nghiên cứu bài học, sau đó giáo viên chỉ định hướng và chỉ dẫn thêm”.
Dứt lời, người đứng đầu Trường Tiểu học Thanh Am chia sẻ thêm: “Nhà trường luôn khuyến khích các giáo viên khác học tập phương pháp giảng dạy của cô Xuân vì luôn đặt người học làm trung tâm. Đặc biệt, cô Xuân vẫn còn rất tâm huyết, say mê với nghề, bất chấp cái tuổi đang độ ngấp nghé 50”.
BOX: Trường Tiểu học Thanh Am được thành lập vào ngày 1/6/2012, trên cơ sở tách ra từ Trường Tiểu học Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Sau chặng đường 5 năm, từ chỗ chỉ có 9 giáo viên và 308 học sinh, đến nay, Trường Tiểu học Thanh Am đã có 32 giáo viên giảng dạy cùng hơn 700 học sinh. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng đội ngũ giảng dạy của trường không ngừng được nâng lên với 95% trên chuẩn. Nhà trường đặc biệt chú trọng đến tâm huyết của giáo viên với sự nghiệp “trồng người”, theo phương châm “cô giáo nghiêm như cha, tấm lòng như mẹ hiền”.
Tạo sự hứng thú trong học tập cho đàn học sinh thân yêu luôn là nỗi trăn trở của cô giáo Nguyễn Thị Xuân.
Không chỉ dày công nâng cao chất lượng dạy và học, cô giáo Nguyễn Thị Xuân còn luôn tập cho học sinh thói quen tự lập cũng như kỹ năng sống từ việc nhỏ.
Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Nguyễn Thị Xuân lại làm bạn với chiếc máy tính nhằm tìm kiếm, trau rồi những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả.
Tiết mục văn nghệ đạt giải xuất sắc trong hội thi : Thiếu nhi vui khỏe.