&ldquo !important;Giáo dục ở nước ta đang trở thành thị trường cực kỳ sôi động như: Vinschool, FPT, Quốc tế Nhật Bản, Song ngữ liên cấp, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Lômônôxốp, Lê Quý Đôn cùng rất nhiều thương hiệu khác… Cộng đồng phụ huynh tha hồ với nhiều lựa chọn miễn sao điều kiện đủ đầy để nuôi cấy cho mầm non của mình trở thành những nhân tài xuất chúng. Tuy nhiên, chọn trường cũng nhiều ưu tư, lo lắng bởi cơ sở hạ tầng, vật chất của các nhà đầu tư không phải là tất cả… Sự nghiệp “trồng người” không thể dùng tiền mà chăm bón vì nhiều khi “Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”... Trường nhà mình có bao điều lý tưởng mà “đứng núi này - trông núi nọ” để rồi suýt nữa thì “Em có chồng anh tiếc lắm thay”. Đó là lời đầu cho cuộc trò chuyện của cô Nguyễn Hương, Tổ 21, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội, một phụ huynh từng truân chuyên trong việc chọn trường cho con đi học.
Tôi gặp cô vào một chiều hè dịu nắng, phố phường như choàng tỉnh sau cơn mưa mùa dữ dội. Từ trục đường Vũ Hỷ, hướng về phía đông, vượt đường tàu, qua 2 đèn đỏ chừng 500m nữa thì đến Pizza cofee, Việt Hưng… Đón tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn có đôi mắt ánh lên màu nghị lực, cô bắt tay tôi rồi chủ động với đề tài “Chọn trường đi học”, cô nói: “Nhà em ở phố Thanh Am, ba mẹ em là người bản địa, ông bà là công chức nghỉ hưu. Nhà được hai anh em, anh lớn làm Kiến trúc còn em học Ngoại ngữ. Em làm nghề giảng dạy nhưng không phải người Nhà nước nên tự lập cánh sinh, bươn trải với đời…
Em có con nhỏ là Nguyễn Tú Anh, năm 2017 con tốt nghiệp Mầm non để chuẩn bị lên lớp 1, đây là giai đoạn bắt buôc suy tư của cha mẹ khi dắt con vào đời... Nhà ai “cường thịnh” thì nhất định con mình phải được ươm mầm ở ngôi trường lộng lẫy. Những thương hiệu Tư bản và mô hình giáo dục phương Tây đã hút hồn giới thượng lưu tài phiệt, làm cho giai cấp nghèo phải ngước nhìn trong thèm khát… Tâm lý của phụ huynh Việt là ưa hình thức, thích a dua và khoe thương hiệu. Họ rất oai khi con mình học trường danh tiếng với những tiêu chí như: Cơ sở vật chất, vị trí, điều kiện, tài chính, chất lượng giáo viên, chương trình đào tạo… Tóm lại dù trường Âu, trường Á hay Đức, Anh, Mỹ, Nhật… Thì cơ bản vẫn là sự hãnh diện về đẳng cấp tiêu tiền.
Vượt tuyến, tìm trường
Năm ấy, lần đầu trong đời em cho con tuyển sinh chuyển cấp. Gia đình, ông bà, bạn thân và đồng nghiệp góp ý: “Cháu phải học trường thương hiệu và chất lượng quốc tế như con nhà người khác”. Gần nhà em có trường Tiểu học Thanh Am, là tuyến đầu mà lẽ ra con nên học. Nhưng căn tính của người Việt là “Bụt chùa nhà không thiêng”, những giá trị bên mình thường không nhìn thấy, lúc nào cũng sợ mình “quê”, sợ con mình không bằng con người khác, sợ con mình thua thiệt với người… Sự minh triết của cha mẹ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và tình thương vì thế mà em đồng ý cho con vượt tuyến… Hai tháng xoay xở cuối cùng thì cháu vào được ngôi trường như mong muốn, cả nhà hy vọng cháu sẽ trở thành vĩ nhân của nước nhà.
Tháng 9, mùa thu năm 2017, ngày hội khai trường rộn rã non sông, nơi con đến trang hoàng lộng lẫy, khẩu hiệu, băng rôn rực rỡ cờ hoa, diễn văn khai mạc đọc bằng song ngữ, tiết mục văn nghệ đậm chất phương tây. Thầy hiệu trưởng tuyên dương thành tích và điểm số năm qua đẹp như một thước phim hoàn mỹ… Về nhà em hỏi: “Khai giảng con có vui không?”, con bảo: “Vui, vì trường mình rất đẹp, ở đây ai cũng nhà giàu, bố mẹ các bạn đưa đón toàn bằng siêu xe”.
Em không để ý câu nói của con, nhưng học chừng 3 tháng thì thấy con trầm lặng, những biểu hiện buồn - vui không rõ. Về nhà con ít kể chuyện ở lớp, nếu kể thì không hào hứng. Có lần em gặng hỏi: “Ở trường con yêu nhất cô nào, con chơi thân với bạn nào?”, con bảo: “Các bạn và cô đều tốt, con không thân với ai”.
Hiếu học để “hiếu” thi…
Thấm thoát kỳ 1 trôi qua, bỗng một hôm con kể: “Cán bộ lớp và Lớp Trưởng phát động phong trào “Thi học” để chọn ra loại “Giỏi xuất sắc” và “Giỏi toàn diện”, nếu ai không đạt thì loại kém…” Em chợt hình dung lại những lần đón con, để ý thì nhận thấy sự mỏi mệt trên gương mặt các cháu. Về nhà em so sánh những bài tập của con với trường khác thì chương trình quá nặng và quá tải, đặc biệt là áp lực của lớp tự đề ra, điều này dẫn đến những biểu hiện thay đổi của con suốt thời gian qua…
Tối về em cho cháu nghỉ bài tập ở nhà, mẹ con tâm sự bờ hồ, dạo phố ăn kem, cháu nói: “Con chỉ có thể hoàn thành môn toán vì không có sở trường môn đó. Con thích Tiếng Việt, Năng khiếu, Mỹ thuật nhưng cô giáo muốn các con phải giỏi toán, đến kỳ thi phải đạt điểm 10 nếu không thì bị cho là học dốt”.
Em nghĩ rằng, trên đời này không có học sinh dốt, học sinh kém mà chỉ có người lớn không biết khơi dậy tiềm năng trong mỗi các con bởi, một lớp học không thể có 40 em cùng giỏi toán hay 40 em cùng giỏi văn hoặc tất cả các em phải giỏi nhiều môn… Tạo hoá chỉ ban cho mỗi em bé 1 sở trường hay 1 năng khiếu khác nhau. Xã hội loài người phân công lao động theo “chuyên môn hoá”, không thể một người vừa giỏi Giáo viên lại vừa giỏi làm Bác sĩ. Vừa giỏi làm Kiến trúc lại vừa giỏi làm Công an… Một ngôi sao Bóng đá không thể kiêm ngôi sao Màn bạc. Vì thế, phải tạo thuận lợi, khuyến khích, đẩy mạnh sở trường cá nhân, đầu tư vào năng khiếu của từng em. Những môn sở đoản thì các con chỉ cần hoàn thành là đủ, còn lại dồn tâm sức vào phát huy thế mạnh của riêng mình.
Trên đường về con nói: “Các bạn ở trường nhà ai cũng nhà giàu, sống đặc phong cách “Tây”, rất “Tư bản” và độc lập, tiêu tiền cực phung phí, thích bất kể thứ gì là ba mẹ đều đáp ứng. Tư duy và lối sống của các bạn xa rời với đời thực vì ở đó là giới thượng lưu…
Những chiều tan học, các bạn được bố mẹ cho chơi những trò như: bơi lội, thể thao, picnic, giã ngoại, du lịch, shopping, mua sắm để thể hiện bản thân và nhiều môn khác… Nhưng con muốn về sớm, tranh thủ giúp mẹ cắm cơm, rửa bát, quét nhà để rèn luyện đức Cần lao như Bác Hồ đã dạy: “Học tập tốt, lao động tốt”. Hoặc chơi với các bạn khu phố cho thân tình làng xóm... Nghĩ về mẹ, giúp mẹ là đỉnh cao của cái gọi là “thể hiện bản thân”. Mọi thứ ở trường là những dịch vụ đắt đỏ, học phí ở đây cao gấp nhiều lần trường Công mà nhà mình đâu phải nhà giàu…”. Chia sẻ của con có nhiều thuyết phục, em quyết định hết năm thì chuyển trường nhưng chưa biết trường nào.
Cảm nhận để quay về…
Tâm sự với những phụ huynh quanh phố thì mọi người đều nói: “Tiểu Học Thanh Am là ngôi trường thân thiện, rất nhân văn, đạo lý, tình người, cơ sở vật chất không kém phần hiện đại. Học phí được Nhà nước và Bộ, Ngành hỗ trợ, thiết kế hạ tầng nâng cấp khang trang. Vị trí thuận tiện, nhiều cây xanh và môi trường thông thoáng, tội gì phải đua chen với giới nhà giàu cho mỏi mệt…”.
Bác tổ Trưởng dân phố nói: “Thứ nhất, Thanh Am là trường đúng tuyến; Thứ hai, cháu học gần nhà đỡ công đưa đón; Thứ ba, bạn học là hàng xóm mà cháu đã thân quen, mọi việc dễ hoà đồng, san sẻ... Đua chen ra chốn thương trường tốn kém mà không nắm bắt được quan điểm giáo dục và định hướng kinh doanh của các nhà đầu tư là gì… Chi phí giáo dục là khoản cự kỳ quan trọng, không chỉ là tiền bạc mà là thời điểm và cơ hội tuổi đời. Lựa chọn đúng - sai là hệ quả khó lòng sửa chữa...”. Góp ý của mọi người nghe mà chí lý..! Hết năm lớp 1 em gửi đơn xin chuyển cháu về Tiểu học Thanh Am. Ban Giám hiệu tiếp nhận hồ sơ, hẹn ngày khai giảng. Cô Hiệu Trưởng điện cho cô Yến hướng dẫn em cập nhật những thông tin, số liệu cần làm trước khi vào năm học …
Tiểu học Thanh Am - nơi tìm ra lý tưởng
Biết tin được chuyển về Thanh Am, mới vào hè Tú Anh đã khấp khởi ba lô, sách, bút, giấy, vở, đồng phục, dầy dép… Tất cả được các cô hỗ trợ trong tinh thần phấn khởi, khẩn trương, mọi thứ tinh khôi như ngày đầu đi học.
Hết 3 tháng hè, mùa tuyển sinh hoàn tất. Sáng mùng 5 tháng 9 năm 2018 - ban mai rực rỡ muôn màu, cổng trường Thanh Am rợp bóng cờ sao, em dắt con hoà vào dòng người đông như hội. Các cô đon đả đón học sinh xếp hàng nhận lớp. Trên lễ đài hiệu lệnh nghiêm trang. Toàn thể nhà trường đồng thanh cất cao lời Quốc Ca hùng tráng, cờ đỏ tung bay trong nắng thu vàng… Sau lễ khai giảng, Tú anh vào lớp 2a2.
Dạy con chiến đấu với “giặc” lười
Buổi học đầu tiên Tú Anh chạy về khoe: “Cô Hiệu Trưởng vào lớp con chơi, cô gọi con là “lính mới”, cô bắt tay con và các bạn bảo: “Gắng chiến đấu và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, cô giải thích: “Đất nước hoà bình nhưng chúng ta chưa bao giờ hết giặc… Giặc dốt, giặc lười là thứ giặc dã man, bắt buộc chúng ta phải chiến đấu, thắng nó là ta thắng bản thân, thắng nó sẽ trở thành con ngoan trò giỏi. Cô mong các con mai này sẽ là những công dân ưu tú của nước nhà”.
Những ngày học tập của con cứ thế êm trôi, em đỡ bận hơn vì không phải đón đưa con xa quá. Tú Anh có bạn học gần nhà, cứ cuối tuần là đám bạn rủ con đá bóng, cầu lông, học nhóm hay đạp xe quanh phố… Gọi là phố nhưng Thanh Am đất rộng nhà thưa, đường xá thênh thang, sân chơi rộng thoáng, thoải mái cho các con sáng tạo, vui đùa.
Cô giáo như mẹ hiền
Một tối cuối tuần, em rủ con ăn kem tâm sự, em hỏi: “Học ở Thanh Am con thấy thế nào?”, con bảo: “Các cô vừa là cô giáo, vừa là “hàng xóm” vì ai cũng gần gũi thân quen. Chủ nhiệm lớp con là cô Phương Thuỷ, cô Thuỷ dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt long lanh, nụ cười răng khểnh… Cô dạy học rất vui vì bài tập nào khó là cô ví dụ từ cuộc sống hàng ngày cho con dễ hiểu. Cô thường để ý những bàn tay, móng tay ai dài là cô cắt hộ, cô bảo: “Móng tay dài là nơi trú ngụ cho vi khuẩn, để dài hay bị gãy xước rất đau”, cô tết tóc cho bạn nữ khỏi loà xoà xuống mắt, đẹp như mái tóc cài hoa…”. Cô nói: “khi đến trường thì cô là mẹ; khi về nhà thì cô là hàng xóm; dạy trên bục giảng thì cô là cô giáo; còn khi chơi với các con thì cô là bạn… Đó là tâm lý giáo dục mà cô Hiệu Trưởng hướng cho các cô giáo Thanh Am”.
Kỷ vật của tình thương
Một buổi tan học về con kể: “Hôm nọ ra chơi, con đang đá bóng thì bỗng có tiếng gọi: “Tú Anh..!”, ngoảnh lại, con chưa nhận ra ai thì một cô bước lại gần, cô đặt bàn tay lên vai con lắc nhẹ, ánh mắt cô long lanh trìu mến… Ngờ ngợ một lúc con mới nhớ ra chiếc cặp…! chiếc cặp có nét chữ của cô hồi con 4 tuổi, học ở “Trung tâm Toán Tư duy” mà cô đã dạy... Nhớ hôm chiều cuối đông, gió lạnh thấu xương, cô đưa con về vì trời mưa nửa đường xe mẹ hỏng… Sau buổi học cuối, cô viết tặng con mấy dòng trên chiếc cặp, cô viết như này: “Chúc con ngoan, vui khỏe, hồn nhiên, yêu đời, gắng học giỏi để mẹ an lòng. Con sẽ đạt được ước mơ mà con hằng mong đợi. Con như đóa hoa xuân tràn đầy mộng đẹp…”. Bên cạnh cô vẽ cành mai trắng muốt đang đâm chồi, trổ nụ đón mưa xuân. Viết xong cô ký: BÍCH NGỌC…
Chuyện của Tú Anh không dài mà nghe cảm động ... Sợ không ngăn nổi dòng cảm xúc nên em tự nhủ: “Chuyện của trẻ con thì người lớn không nên cắt nghĩa, trẻ con là những thiên thần… Lôgic của trẻ con là lôgic huyền thoại, vô tiền - khoáng hậu. Người lớn bị thực tế khắc nghiệt làm mất đi sự mong manh của lôgic tự nhiên… Em chẳng bao giờ ngắt lời con trẻ…”.
Yêu cô như người bạn…
Một hôm con hỏi: “Mẹ biết nhảy dây không?”, em bảo: “Biết, nhưng bận lo cuộc sống lâu rồi mẹ không chơi”, rồi con kể: “Hôm nọ, giờ ra chơi cô Hiệu Trưởng cũng xuống chơi cùng. Cô biết chơi nhảy dây, búng bi, đánh đáo. Cô dạy các con chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, cô nói: “Đây là những trò dân gian, thôn dã của ngày xưa, nó hào hứng, lành mạnh và đoàn kết, chơi rất khoẻ người mà vui, mà bảo tồn được truyền thống ông cha người Việt. Các con phải giảm dần những thú chơi Game bạo lực, những trò chơi độc hại của phương Tây, chơi nhiều cận thị, hại mắt, đau đầu, hỏng thần kinh, không tốt cho sức khoẻ… Nếu mở điện thoại, youtube, tivi thì nhớ xem hoạt hình sử Việt, những phim như: “Cậu bé cờ lau”; Trần Quốc Toản”; “Anh Kim Đồng”; “Mẹ Âu Cơ”; “Vua Hùng” và nhiều phim khác. Hoạt hình lịch sử Việt Nam nuôi dưỡng được ý chí, tinh thần và lòng nhân văn của các con và cả người lớn...". Cô Hiệu Trưởng tuyệt vời..! cô đáng yêu như người bạn..!”.
Trí tuệ ở trái tim
Một lần đón con em gặp cô Hoà, Chủ nhiệm lớp 3a2, cô Hoà kiểu người nhỏ nhắn, gương mặt đôn hậu, phong cách nhẹ nhàng, tháo vát, cô tâm sự: “Dạy trẻ con là thiên về cảm xúc. Những kiến thức, chuyên môn và năng lực phải tìm về được với trái tim… Vì trái tim là đỉnh cao của trí tuệ. Trẻ con là những “Nhà bác học”, luôn khám phá, nghịch ngợm và không ngừng đưa ra câu hỏi để người lớn trả lời. Vì vậy trái tim của nghề giáo phải “quản trị” được cảm xúc, phải yêu thương, dịu dàng và kiên nhẫn… Người lớn cũng từ trẻ con mà nên, người lớn cũng từng là những trang vở trắng, gắng viết vào đời bằng những dòng mực quý, để mai này thế hệ đọc nhau nghe…”.
Tương lai trong “mắt” học trò
Hôm đưa Tú Anh đến trường học vẽ, em gặp cô Ngọc Ánh, cô Ánh tóc dài, da trắng, dáng dấp thanh cao, trẻ trung và tâm huyết, cô nói: “Tính chất của sư phạm là cô và trò cùng nhau tìm chân lý. Cô không dạy con tất cả vì cô chỉ là người đi trước, biết trước và hiểu trước… Cô và con cùng khám phá bản chất của một vấn đề, cô khơi gợi hướng giải quyết để con tự xử lý tình huống. Điều đó tạo cho con ý thức trách nhiệm và đóng vai trò trọng yếu trong bất cứ lĩnh vực nào không riêng gì học tập... Với cô, con có tư cách là đối tác để cùng hợp tác thì việc học với con không quá nặng nề… Những buổi họp chuyên môn, cô Hiệu Trưởng thường nói: “Chúng ta phải dạy ý thức trước khi dạy kiến thức. Nhưng muốn có ý thức thì phải có tình yêu... Khi yêu thích điều gì chắc chắn các con sẽ đầy bản lĩnh để đoạt được tình yêu đó... Làm sao để con hiểu được giá trị và tác dụng của từng môn học thì học sinh sẽ cảm tình với môn học đó… Bởi tình yêu là sức mạnh vô song, vì thế mà nhà giáo phải “khai quang” được “thần nhãn” để nhìn thấy tương lai trong mắt học trò…”.
10 năm ôn cố tri tân
Buổi họp phụ huynh năm 2022, em trò chuyện với cô Hương, cô nói: “Năm 2012, nhớ ngày đầu đi trong gian khó, hạ tầng thiếu thốn, cơ sở nghèo nàn, nhưng tinh thần đoàn kết của Ban Giám hiệu, một đội ngũ lãnh đạo tiên phong với toàn thể nhà trường đã cùng nhau vượt khó…
Qua tháng năm nỗ lực, Tiểu học Thanh Am đã để lại tình cảm, uy tín trong lòng phụ huynh và nhân dân khu phố với phương châm: “Phát triển môi trường giáo dục thực chất và ý nghĩa, chủ động tích cực hội nhập giữa thời công nghệ số”. Chúng ta phải đưa đến Thanh Am một mái trường tiềm năng, giàu nội lực và đầy ắp ước mơ… Theo đó, cuối năm 2012, công trình Trường Tiểu học Thanh Am được đầu tư xây mới: diện tích gần 10.000m2 ; 45 phòng học và các phòng chức năng; Trang thiết bị tân tiến, đủ đầy, đồng bộ. Năm học 2019 - 2020 trường có 910 học sinh liên tục đạt những giải thưởng Quốc tế, Quốc gia, Thành phố và Quận…
Mùa thu năm nay, chúng ta đón trang sử mới với những thành công nức lòng của Tiểu học Thanh Am… Một thập kỷ trôi qua, nhìn lại kết quả của chặng đường đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên, cũng nhắc nhở chúng ta về trăn trở, lo toan ở phía trước với công tác giáo dục, đào tạo và hiện đại hoá chuyên môn... Vừa qua, chúng ta bị vướng mắc bởi đại dịch Covid toàn cầu nhưng 2023 được xem như trái chín đầu cành của cuộc hành trình dày công vun đắp. Đó là hành trình của những cuộc gian nan, thử thách, của tình thân giữa giáo viên đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh từ suốt những ngày đầu thành lập… Tình thân ấy hôm nay thắm đượm nồng nàn…! Để ngày Tựu trường chúng ta có một mùa tri ân sâu sắc, thủy chung dâng hiến cho những mối tình cao đẹp ấy.
Sang năm học mới, chúng ta khởi đầu một chu kỳ mới. Những ước muốn và kỳ vọng đang vẫy gọi, thử thách, khó khăn cũng đợi chờ… Đó cũng là lẽ tất yếu của sự phát triển. Quy luật muôn đời là “ôn cố tri tân”, “có gốc, có cành mới nên bông trổ ngọn”. Trường Tiểu học Thanh Am quyết đồng tâm hiệp lực xây dựng một ngôi trường lý tưởng, văn minh… 2022 đã khép lại với những thành công đánh nhớ và cũng là một chu kỳ tha thiết tiếng tri ân … Âm vang đó là tiếng kèn giục giã, tiếp tục thổi lên khúc khải hoàn ca để tiến đến hành trình đầy ắp niềm tin, hy vọng ở tương lai.
Thanh Am, tháng 9 mùa thu, 2023
Tác giả ghi theo lởi kể của phụ huynh Nguyễn Hương,
Tổ 21, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội)