Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Sau đây là các cách phòng tránh bạo lực học đường:
* Đối với học sinh:
- Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo, luôn đoàn kết, thân ái với bạn bè
- Chấp hành tốt nội quy của trường, của lớp. Mỗi ngày, các em hãy thực hiện thật tốt 5 Điều Bác Hồ dạy, thực hiện thật tốt Quy tắc ứng xử ở đầu cầu thang và 10 Điều giao tiếp văn minh trong các lớp học.
- Tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực.
- Tích cực tham gia vào các hoạt động mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.
- Nếu thấy hiện tượng bạo lực, các em phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan công an để kịp thời can thiệp và xử lí. Các em hãy phát huy tối đa tác dụng của Hòm thư Điều em muốn nói.
* Đối với nhà trường:
- Tích cực hoàn thiện bộ rèn luyện kỹ năng sống và đưa bộ môn dạy kỹ năng sống, tư vấn tâm lý vào trong nhà trường ngày càng nhiều hơn.
- Tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân. Có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực, và có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của các vụ bạo lực.
- Tổ chức tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực học đường đối với giáo viên và học sinh.
- Phối hợp với gia đình và cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn xã trong công cuộc phòng tránh bạo lực học đường. Đặc biệt là ban công an xã, với lực lượng mạnh và chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay, gồm 3 đ/c công an chính quy của huyện mới về xã công tác, sẽ luôn sẵn sàng cùng với nhà trường ngăn chặn các vụ bạo lực học đường.
- Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Xác định rõ vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đảm bảo song song việc dạy chữ và dạy làm người. Nhà trường và thầy cô giáo phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe giáo dục học sinh.
* Đối với giáo viên
- Thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tham gia dạy kỹ năng sống, giáo viên trong tổ tư vấn tâm lý. Có biện pháp can ngăn, giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực đối với học sinh .
- Tích cực tổ chức các hoạt động tập thể nhằm tăng tình cảm của các em học sinh trong cùng lớp, cùng trường.
- Tạo môi trường học tập và giảng dạy trong sáng lành mạnh. Phối hợp với gia đình và nhà trường để quan tâm và hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc của học sinh.
* Đối với gia đình:
- Bố mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.
- Mỗi gia đình phải nhận thức rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Loại bỏ các hành vi bạo lực ra khỏi đời gia đình. Bố mẹ cần thường xuyên quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em tại gia đình.