1. Những tai nạn thường gặp ở trẻ em
- Đuối nước: đuối nước là tai nạn thường xảy ra ở trẻ em (thậm chí cho cả người lớn), nhất là những người sống gần sông, ngòi, hồ đập... Mùa mưa bão thường làm cho nước sông, suối, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên người qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn.
- Điện giật: trong những năm gần đây đã có nhiều tai nạn đau lòng do sử dụng thiết bị điện không an toàn gây giật chết người.
- Rắn cắn: rắn cắn hay gặp ở những nơi bị ngập lụt, rắn tìm lên các chỗ cao ráo để trốn nên hay gặp người và cắn.
- Một số thương tích hay gặp khác: các thương tích thường gặp trong dịp nghỉ hè khác là gãy xương, vết thương phần mềm, các thương tích này thường do tai nạn giao thông, ngã do leo trèo hay chơi các trò chơi mạo hiểm…
2. Các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em
Tùy từng độ tuổi mà lại có những nguy cơ gặp tai nạn khác nhau, cần thường xuyên nhắc nhở con, em mình không quá ham mê các trò chơi. Quản lý thời gian của trẻ chặt chẽ, không để các em tùy tiện đi chơi, dã ngoại không có sự giám sát của người lớn. Trong nhà cần xếp đồ đạc gọn gàng, đồ điện, phích nước nóng phải để trên giá cao, chắc chắn để trẻ không với tới được. Thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ không được leo trèo, bơi lội ở ao hồ khi không có người lớn. Khi có sự quan tâm, nhắc nhở đúng mực của phụ huynh sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt, phòng tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động hè bổ ích tại địa phương trong dịp nghỉ hè. Đặt các biển báo, biển cấm ở nơi nguy hiểm.
Về phía bản thân các em học sinh nên chú ý khi chơi các trò chơi vận động (bơi lội, đá bóng…) cần phải khởi động, làm nóng cơ thể, không nên đi tắm ở sông suối, hồ đập khi không có người lớn đi cùng; không trèo cây; không thả diều, đá bóng trên đường hoặc nơi có phương tiện giao thông đi lại; không đi xe đạp hàng ngang trên đường; chú ý cẩn thận khi sử dụng các thiết bị điện gia đình…
Đề phòng đuối nước: cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết; trong mùa mưa bão nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết). Tại các nơi vùng nước sâu, nước chảy xiết nguy hiểm khuyến cáo các địa phương cần cắm biển báo để người dân và đặc biệt là trẻ em tránh lại gần. Tuyệt đối không cho trẻ tự ý đi bơi tại các ao hồ, nếu đi cần có người lớn đi kèm để đảm báo cấp cứu khi cần thiết.
Đề phòng điện giật: người dân cần chủ động kiểm tra hệ thống điện của gia đình, xung quanh khu vực sinh sống nếu có bất thường phải báo cho cơ quan điện lực biết để sữa chữa kịp thời. Để phòng tránh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý ngắt điện tất cả dụng cụ không sử dụng; dán băng keo hoặc dùng nắp đậy các lỗ cắm điện, thay các dây điện cũ; cách ly trẻ khỏi khu vực đang sửa chữa, thay dây điện. Các vật dụng có điện nguy hiểm cần đặt xa tầm tay trẻ em.
Đề phòng rắn cắn: ở các vùng ngập lụt cần chú ý để phòng tai nạn rắn cắn bằng cách phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông dòng nước động không để điều kiện cho rắn sinh sống và phát triển. Hạn chế cho trẻ chơi ở những khu vực rắn hay sinh sống và trú ngụ. Khi bị rắn cắn nhanh chóng ga rô trên vết cắn và khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.
Phòng tai nạn do ngã gây tổn thương: không cho trẻ đi ra ngoài khi mưa to gió lớn; không để trẻ trèo cây bứt quả, bắt chim; không cho trẻ sử dụng các phương tiện giao thông không phù hợp với độ tuổi tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.