Ngà !important;y 5-1-1925 (ngày này 97 năm trước), từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc - lúc đó đang làm phiên dịch cho Bôrôđin, cố vấn của Liên Xô bên cạnh Chính phủ của Tôn Trung Sơn - đã gửi một bức thư cho Quốc tế Cộng sản báo tin rằng: “Quốc dân đảng Đông Dương vừa được thành lập vào ngày 3 tháng này”.
Đây là nhóm chiến sĩ trẻ yêu nước chịu ảnh hưởng của Phan Bội Châu sang Trung Quốc hoạt động. Một số thành viên của tổ chức này được chọn gửi sang học tại Đại học Mátxcơva. Đây chính là hạt nhân để thành lập Thanh niên Cộng sản Đoàn.
16 năm sau, cũng ngày này năm 1941, Nguyễn Ái Quốc lại có mặt ở Tĩnh Tây (Trung Quốc) và đã gặp Hoàng Văn Thụ - người được Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang báo cáo công việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8 - để quyết định những vấn đề trọng đại cho công cuộc giải phóng đất nước.
Và cũng chỉ 5 năm sau, ngày 5-1-1946, nước Việt Nam độc lập đã bước vào ngày hôm trước của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Sáng hôm đó, báo chí nhất loạt đăng“Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó viết: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.
Chiều hôm đó, tiếp xúc với 20.000 cử tri tại khu Việt Nam Học xá (nay là Đại học Bách khoa), ứng cử viên Hồ Chí Minh tuyên bố: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua thì toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.
Rời cuộc tiếp xúc, Bác đến thăm chùa Bà Đá và trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc đặt tại chùa Quán Sứ và trịnh trọng tuyên bố: “Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Nếu cần, hy sinh cả tính mạng tôi cũng không từ”.
Ngày 5-1-1958 (ngày này 64 năm trước), “Lời kêu gọi nông dân và cán bộ chống hạn đẩy mạnh sản xuất vụ đông xuân” được đăng trên các báo và trong ngày hôm đó, Bác Hồ về Hưng Yên động viên nhân dân đang chống hạn và tặng bức trướng thêu 4 chữ: “Chống hạn giỏi nhất”.
Cách đây 66 năm, ngày 5-1-1959, Bác đến khánh thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, viết lời đề: “Viện Bảo tàng là một trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta” và tặng bảo tàng một kỷ vật riêng của mình: Chiếc lược làm bằng đồi mồi cất trong một túi vải.
Ngày 5-1-1960, tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (thời đó xác định là ngày 6-1-1930), Bác đã đọc lời khai mạc và kết thúc bằng lời thơ: “Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho sử vàng”.