Cá !important;ch đây 101 năm (ngày 9-1-1921), Nguyễn Ái Quốc lúc này đã tham gia sáng lập và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng vẫn đi cùng Phan Châu Trinh đến dự một cuộc họp do Chi bộ của Đảng Xã hội lúc này đã tham gia phân bộ Xã hội Cách mạng của Quốc tế III. Điều đó cho thấy sự phân hóa của tổ chức mà trước đó Nguyễn Ái Quốc đã từng tham gia là Đảng Xã hội cũng như mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với những xu hướng tích cực của tổ chức này vẫn được duy trì.
Ngày 9-1-1923, báo “L’Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp đăng bài “Vực thẳm thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo tố cáo giới thực dân một mặt khai thác thuộc địa và bóc lột dân bản xứ thậm tệ để làm giàu không chỉ cho nước Pháp mà cho chính bọn chúng, mặt khác lại yêu cầu chính quốc phải đầu tư nhiều tỷ đồng cho các thuộc địa.
Như vậy, thực chất là chúng bòn rút chính nhân dân Pháp để phục vụ những việc làm lãng phí, xa xỉ, nuôi bộ máy quan liêu và ăn bám. Tác giả bài báo đưa ra nhiều dẫn chứng với những con số thuyết phục, trong đó có cuộc Triển lãm Thuộc địa vô cùng tốn kém đang diễn ra ở nước Pháp. Đây là thời điểm Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều bài viết đăng trên nhiều tờ báo tố cáo chế độ thực dân mà sau này là chất liệu, để hình thành nên tác phẩm “Bản án chế độ thực dân” (Le Procès de la Colonisation) nổi tiếng.
Ba ngày sau cuộc Tổng tuyển cử, ngày 9-1-1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 3 về việc triệu tập Quốc hội vào ngày chủ nhật 3-3-1946. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, một ủy ban trù bị gồm các nhà trí thức có danh tiếng đương thời như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Dương Đức Hiền được thành lập.
Hồ sơ trong các cơ quan lưu trữ còn bảo tồn được bức thư Bác viết ngày 9-1-1947 gửi người đồng chí gần gũi trong văn phòng của mình là Hoàng Hữu Nam, tức Phan Bôi, trong đó nhắc Bộ Nội vụ cho đăng báo bài “Lời kêu gọi những người có văn hóa đăng ký phục vụ Tổ quốc”. Rất tiếc văn kiện này đến nay vẫn chưa sưu tầm được, nhưng chủ đề của lời kêu gọi cho thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đoàn kết và phát huy đóng góp của tầng lớp trí thức, “người có văn hóa” cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, điều mà người đứng đầu Nhà nước đã nhiều lần đề cập tới.
Ngày 9-1-1952, trên báo Cứu Quốc, trong bài viết “Thanh niên oanh liệt” ký bút danh “Đ.X”, Bác bày tỏ cảm xúc và ca ngợi tinh thần một học sinh tên là Nguyễn Quốc Ân đã chấp nhận bị tra tấn và hy sinh khi bị buộc phải viết bài văn “So sánh Hồ Chí Minh với Quốc trưởng Bảo Đại” tại một trường ở vùng bị tạm chiếm thuộc tỉnh Hưng Yên, trong đó không chịu bôi nhọ lãnh tụ. Kết luận bài báo, tác giả viết: “Một dân tộc có con cháu như vậy là một dân tộc chắc chắn thắng lợi”./.