LTS: Đọc sách là một trong những hình thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Tuy nhiên, học sinh hiện nay có vẻ đang đọc sai sách. Nguyên nhân ở đâu?
Cô giáo Phan Tuyết nhắn gửi tới các bậc phụ huynh với mong muốn hình thành văn hóa đọc cho con cái ngay từ khi còn nhỏ.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết này.
Theo cuộc khảo sát hơn ba chục em học sinh lớp tôi làm chủ nhiệm, chỉ có hai em trả lời: Mẹ thường đọc sách cho con vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, thi thoảng mẹ dẫn đi nhà sách chọn mua những quyển sách hay.
Nhưng hơn 90% các em còn lại trả lời: không bao giờ mẹ đọc sách cùng con; chưa bao giờ mẹ mua cho con một cuốn sách nào, lại càng không có chuyện hướng cho con những loại sách gì nên đọc...
Vì lẽ đó, phần lớn các bậc phụ huynh không biết con họ đang đọc gì là điều dễ hiểu.
Khác với những vùng đô thị, người dân nơi đây quanh năm đầu tắt mặt tối, lo ăn bữa trước, lại sợ bữa sau. Họ không có cả thời gian chăm sóc con cái chứ nói gì đến dành thời gian cùng con đọc sách. Chưa nói đến việc nhiều người còn không biết chữ.
Vì lẽ đó, ở nhà, trẻ thích gì đọc thứ đó mà không có được sự tư vấn, định hướng tốt nhất.
Theo tìm hiểu, phần lớn các em thích đọc các loại sách đậm mùi bạo lực như đánh nhau rồi trả thù, cướp của giết người, các loại sách trinh thám, sách diễm tình lâm li bi đát...những cuốn sách này đều chưa qua kiểm duyệt, đang được bán nhan nhản trên các vỉa hè.
Chỉ cần vài ngàn đồng là mua được vài cuốn. Có em được bạn bè tư vấn nên lên mạng tìm đọc. Những cuốn sách mà người lớn vô tình ngó qua cũng phải đỏ mặt quay đi. Hay nhiều cuốn sách giở ra chỉ có tranh và những tiếng bùm..chíu...nhưng lũ trẻ lại rất say mê.
La Gi (Bình Thuận) mua sách cho trẻ đọc ở đâu?
Gặp gỡ hai phụ huynh thường xuyên cùng con đọc sách, khi được hỏi: “Chị thường chọn sách gì cho con?”.
Chị Hoa ở phường Phước Lộc thị xã La Gi nói: “Tôi thường đọc truyện cổ tích, những mẫu chuyện về đạo đức và gương của các anh hùng dân tộc chống ngoại xâm. Nhưng mua sách hay ở đây khó lắm. Thi thoảng đi Phan Thiết mới dẫn con đi mua được”.
Mô hình "thư viên xanh" trên sân trường (Ảnh Phan Tuyết)
Nghe chị nói, tôi chợt nhớ thị xã La Gi làm gì có hiệu sách để mua, những nơi gọi là nhà sách, thực ra nơi đó chỉ bán văn phòng phẩm. Hôm trước, tôi dẫn con gái đi mua bộ sách truyện vừa của nhà văn Nhật Ánh nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của những cô bán hàng.
Ai cũng hiểu tác dụng của sách đem lại như: giúp cho các em thông minh hơn, dạy trẻ những bài học về tình thương, trách nhiệm về những ước mơ hy vọng...
Muốn trẻ đến với việc đọc sách thường xuyên, chúng ta phải rèn luyện thói quen đọc sách cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Có thói quen đọc sách nhưng phải hướng chúng tìm đến những loại sách hay nên đọc.
Điều này sẽ có tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách của các em sau này.
Theo các nhà nghiên cứu : Văn hóa đọc được hình thành và nuôi dưỡng tốt nhất trong những năm tháng đầu đời của trẻ nhưng môi trường gia đình mà vai trò của các bà mẹ xem như mờ nhạt.
Vậy trách nhiệm nặng nề dồn cả lên vai nhà trường mà trực tiếp là các thầy cô giáo. Có thể nói, trường học trở thành không gian quan trọng, kích thích sự ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của trẻ thơ.
Làm sao để khơi dậy niềm say mê ấy?
Các trường học trong toàn thị xã đang đẩy mạnh và nhân rộng mô hình: “Thư viện xanh” trên sân trường, “thư viện lớp”, “Góc đọc” ở cuối lớp, nơi chân cầu thang...mở cuộc thi “Giới thiệu sách” bằng nhiều hình thức sinh động như hát, đọc thơ, diễn kịch...đã và đang kéo gần các em lại với văn hóa đọc hàng ngày.
Phòng đọc giờ ra chơi tại Trường Tiểu học Phước Hội 2, Bình Thuận (Ảnh : Phan Tuyết)
Nhưng thời gian trên trường cũng không có nhiều, vì thế các em cũng không thể đọc, tìm hiểu được nhiều như thầy cô mong đợi.
Thời gian ở nhà, nhất là hai ngày nghỉ cuối tuần, nếu cha mẹ kéo các em vào với hoạt động đọc sẽ hạn chế được nhiều tình trạng học sinh say mê vào các trò chơi điện tử như hiện nay.