“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Cứ đến mùng 10 tháng 3 hằng năm, người dân khắp mọi miền Tổ quốc, từ miền Nam ra miền Bắc lại nô nức nhau đi trẩy hội Đền Hùng – một trong các lễ hội ở Việt Nam. Có thể nói đây là một nét văn hóa độc đáo của con cháu Lạc Hồng nói chung và người dân Phú Thọ nói riêng để tỏ lòng thành kính hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên. Trong tâm thức của người Việt, ngày giỗ tổ như một niềm tự hào đặc biệt bởi không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có ngày quốc giỗ chung. Nhiều khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam du lịch và vô tình được tham dự lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương đã không ít lần bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục văn hóa cũng như tinh thần đoàn kết của một đất nước.
Đối với lễ hội Đền Hùng, sẽ có hai phần chính, đó là: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức một cách trang trọng, đúng nghi thức với sự tham gia của nhiều vị chức sắc trong làng cũng như các chính khách ở Trung ương về tham dự. Lễ vật dùng trong nghi thức tế lễ bao gồm: Bánh chưng, bánh giầy, lợn, bò, dê. Khi tiếng nhạc phường bát âm cất lên thì cũng là lúc chủ tế bắt đầu đọc lời nguyện trước ngai thờ các vị vua Hùng, trước là báo công và sau là cầu phước. Cứ mỗi lần cụ chủ tế đọc lời tế trong sớ sẽ kèm theo một hồi trống và chiêng hiệu. Sau tiếng trống và chiêng thì đoàn tế sẽ tiến lên phía trước tiền đường quỳ lạy rồi lại lùi về sau. Nghi thức được diễn ra cho đến khi lời nguyện trong sớ được cụ chủ tế lần lượt đọc hết.
Đoàn kiệu cờ hoa, ô lọng rực rỡ, các cỗ kiệu được sơn son thiếp vàng và rước bởi các nam thanh nữ tú của làng. Các cụ cao niên chức sắc mặc lễ phục giống kiểu quan triều đình thời phong kiến, quần thụng, áo quan và mũ cánh chuồn (hoặc khăn xếp), chân đi hài cao. Không khí của lễ rước kiệu vô cùng đông vui và tấp nập, người người chen chân nhau đi theo để lên đến Đền Thượng.
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ là Thủy Tổ của người Việt Nam, cha mẹ của các vua Hùng. Chính vì thế, lễ hội Đền Hùng được xem là ngày hội chung vui của toàn dân tộc, là một dịp quan trọng để mọi người nhớ về công ơn sâu sắc của các vua Hùng đã có công dựng nước cùng với sự kiên cường chống giặc ngoại xâm, giữ nước của các bậc tiền nhân trong suốt khoảng thời gian qua. Bên cạnh đó, đây là dịp diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao truyền thống và tâm linh của người Việt. Đặc biệt, ín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi nhận. Đây là một di sản có giá trị độc đáo và sẽ ăn sâu trong tâm hồn và tình cảm của đồng bào cả nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo, mà là biểu trưng của lòng thành kính, tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước Văn Lang. Từ xa xưa, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày Lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ nơi đâu, cứ đến Mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm, mọi người dân Việt Nam đều nhớ về Đất Tổ. Giỗ Tổ Hùng Vương - điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt, là biểu tượng của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh Lễ hội Đền Hùng