Từ xưa đến nay người phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Vì thế họ rất đáng được tôn vinh, trân trọng, đặc biệt là người mẹ bởi những hy sinh thầm lặng lớn lao để giữ lửa cho mái ấm gia đình, người đã đánh đổi cuộc đời mình để nuôi những đứa con khôn lớn.
Nhân ngày 20/10 sắp tới để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, Cô Thu Trang – GVCN lớp 4A3 Trường Tiểu học Thanh Am đã giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách “Chuyện bây giờ mới kể” để thấy rõ hơn những phẩm chất cao đẹp, những hy sinh thâm lặng và cả tình thương con vô bờ bến dựa trên những câu chuyện có thật về người mẹ được nhiều tác giả lựa chọn. Sách được đăng ký bởi số ký hiệu: VĐ 13 (076); MSCB :01305 thuộc kho sách tham khảo của thư viện trường Tiểu học Thanh Am.
Cuốn sách là những câu chuyện có thật ( 294 câu chuyện) kể về cuộc đời , sự hy sinh cao cả và yêu thương con vô bờ bến mà người mẹ đã dành cho những đứa con của mình . Sách được ra đời vào hoàn cảnh trong cuộc thi viết “ Chuyện bây giờ mới kể ” được tổ chức ngày 11/05/2011 đến ngày 31/12/2011, được báo lao động tuyển chọn và nhà xuất bản thời đại ấn hành năm 2012. Sách dày 303 trang được in trên khổ giấy 14,5cm x 20,5 cm.Giá 60 ngàn đồng. Tình cảm của người mẹ dành cho những đứa con của mình được thể hiện ngay từ trang bìa. Bìa sách được thể hiện bởi các hình ảnh đầy ý nghĩa : Hình ảnh hoa hồng tượng trưng cho bước đường tương lai con nở rộ, tươi thắm như những bông hồng , đồng thời cũng nói lên niềm hạnh phúc cho những ai còn có mẹ. Hình ảnh ngọn nến là biểu tượng cho sự dõi theo, soi sáng của mẹ trong từng bước chân con trên đường đời.
Mỗi bài viết là một câu chuyện có thật về cuộc đời của người phụ nữ sống trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ đều có đặc điểm chung đó là sự tần tảo, chịu thương chịu khó và giàu đức hy sinh cao cả vì con, vì mái ấm gia đình.
Đó là hình ảnh người mẹ buôn đồng nát trong bài viết “ Tôi –con bà đồng nát ” của tác giả Nguyễn Quốc Nam. Hằng ngày, người đàn bà ấy phải rong ruổi khắp thị xã, bằng chiếc xe đạp cà tàng để mua phế liệu rất vất vả và nặng nhọc nuôi bữa ăn hằng ngày cho con mặc cho trời mưa hay nắng.
Nhìn hình ảnh trên ta không khỏi không động lòng thương cảm, nhưng có lẽ càng cảm động hơn với chi tiết: “Có một lần mẹ về, trong giỏ đệm có một hộp sữa đã lưng và gần hết hạn. Cô bác nào thương tình cho. Mẹ nhanh tay pha cho các con mỗi đứa một cốc sữa uống trước khi ngũ. Những giọt sữa ngày ấy trôi qua cổ họng. Mẹ ơi ! tới bây giờ vẫn nghèn nghẹn lòng con...”. Vâng ! Đó chính là sự chắt chiu , vun vén tình cảm mà người mẹ hao gầy ấy đã bồi đắp cho con mà quên đi bản thân mình. Chúng ta như đồng cảm với nổi lòng của người viết:
“Những giọt sữa ngày ấy trôi qua cổ họng
Mẹ ơi ! tới bây giờ vẫn nghèn nghẹn lòng con.”
Giọt sữa của ngày ấy không chỉ đơn thuần là sự ngọt ngào của vị “sữa” mà hơn thế nữa lại là sự vất vả , tảo tần , là những giọt mồ hôi nước mắt của người mẹ chỉ vì hai chữ “thương con” . Chính vì thế mà tới bây giờ tác giả vẫn cảm thấy nghẹn ngào, xúc động.
“Chuyện bây giờ mới kể ” không chỉ là sự vất vả, tần tảo của hình ảnh người phụ nữ trong bài “ Tôi – Con bà đồng nát” mà còn là đức hy sinh cao cả của người mẹ dành cho con trong câu chuyện “ Tô cháo của mẹ” mà tác giả Nguyễn Phương Duy đã chia sẽ: “Gia đình tôi khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng rủi thay tôi lại lâm bệnh, phải mổ đi, mổ lại 3-4 lần, mạng sống mới được cứu thoát. Khi tỉnh dậy, tôi thèm ăn khủng khiếp. Nhưng nhà nghèo quá lấy gì mà ăn tẩm bổ cho lại sức. Trong hoàn cảnh đó có lắm mỗi bữa, mẹ cũng chỉ nấu cho 1 bát cháo lỏng bỏng nước, kê miệng lên húp 1 cái là hết sạch. Mẹ nhìn tôi ăn mà đôi mắt đỏ hoe, rươm rướm nước mắt. Rồi một ngày nọ, tôi ngẩn người ra khi thấy mẹ đem đến 1 bát cháo lòng ngon lành, có gan, có thịt, có huyết. Cứ như thế, 1 tháng một lần mẹ đều nấu cháo cho tôi ăn.”
Chắc hẳn chúng ta cũng thắc mắc tô cháo lòng ấy ở đâu ra trong hoàn cảnh khó khăn đó ??? Chỉ có thể là mẹ, và chỉ từ mẹ mà thôi. Đúng thật vậy ! Người mẹ ấy đã bán đi những giọt máu trong cơ thể hao gầy của mình để lấy tiền mua được tô cháo lòng bồi dưỡng cơ thể cho con. Tô cháo lòng đầy đủ dưỡng chất ấy cứ đều đặn một tháng một lần cho con càng khỏe mạnh bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa với những giọt máu đào của mẹ một tháng một lần lại phải mất đi và cơ thể mẹ càng trở nên xanh xao, hao gầy đi bấy nhiêu. Hai hình ảnh ấy được so sánh với nhau như thế càng đề cao hành động cao cả, đức hy sinh trời biển mà người phụ nữ ấy dành cho con của mình, làm cho trái tim đọc giả một lần nữa thổn thức vì xót xa và cảm phục.
Cuốn sách không chỉ dừng lại hai mẫu chuyện cảm động ấy về người phụ nữ mà còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện khác kể về những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ như: Những cây xương rồng của mẹ (Nguyễn Thị Việt Hà), Gánh bún măng vịt của mẹ (Ninh Bình), Mẹ của con ơi ( Hải Yến ) ... Tất cả các bài viết đều tôn vinh người phụ nữ, tuy ở mỗi hoàn cảnh gia đinh khác nhau nhưng đều được khắc họa đậm nét khiến ta không khỏi xúc động và ngưỡng mộ bởi đức hy sinh và sự tảo tần, một nghị lực sống bền bỉ của những người mẹ. Gấp cuốn sách lại rồi lòng tôi vẫn không khỏi thổn thức vì thương và cảm phục những phẩm chất cao quý của những người phụ nữ. Qua đó, chúng ta có thể tìm thấy được hình bóng thân quen của những người mẹ, người bà, người chị của mình bởi vì một lý do rất đơn giản rằng họ đều có chung những đức tính của người phụ nữ Việt Nam: Đức hạnh, suốt đời vì chồng vì con xứng đáng là người giữ lửa cho gia đình. Vì thế chúng ta phải cảm ơn cuộc đời khi còn có mẹ để cho ta cơ hội được tôn vinh trân trọng bù đắp và hãy tâm niệm rằng:
“ Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.”