“Dế Mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm đầu tay và hay nhất của nhà văn Tô Hoài. Tô Hoài là một nhà văn nổi tiếng. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều giải thưởng cao quý. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho tác phẩm Xóm giếng, Nhà nghèo, vợ chồng A Phủ… và trong số những giải thưởng đó cũng có tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký.
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 7 tháng 9 năm 1920 quê ngoại nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống: dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn… và có khi cũng thất nghiệp. Đến với văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện “Dến Mèn phiêu lưu ký”.
Dế Mèn phiêu lưu ký đã trở thành một tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam và được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Bằng sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, Tô Hoài đã vẽ lên một thế giới côn trùng sinh động và phức tạp chả kém gì thế giới loài người. Những đặc điểm thú vị và thói quen sinh hoạt đặc trưng của các loài Dế, Xén Tóc, Cóc, Châu Chấu, Kiến… sẽ rất hấp dẫn đối với độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi như các em, đây là lứa tuổi thích khám phá tìm hiểu về thế giới xung quanh.
Dế Mèn phiêu lưu ký được viết bằng một giọng văn hài hước và ý nhị. Câu chuyện kể về một nhân vật chính đó là anh chàng Dế Mèn vừa can đảm tốt bụng trượng nghĩa nhưng cũng có nhũng lúc kiêu căng, ngạo mạn, gây ra bao hậu quả…sẽ đem lại cho các em những bài học đầu tiên về tình bạn và cách ứng xử trong cuộc sống.
Tô Hoài chắc hẳn đã tốn không ít công sức tìm hiểu về thế giới côn trùng bé nhỏ, lấy cái thực, cái sự hiểu biết chính xác về đời sống và bản chất của từng con vật làm nền tảng chứ không phải tưởng tượng vu vơ. Chính lý do này đã khiến cho tác phẩm của ông luôn mang đến cho thiếu nhi chúng ta một cảm giác đọc không bao giờ biết chán, mà càng đọc càng thấy hấp dẫn và nhớ tác phẩm của ông hơn.
(Hình ảnh: Cô Bích Ngọc chia sẻ cuốn sách)
Truyện Dế Mèn phiêu lưu ký gồm có 10 chương:
Chương I: Tôi sống độc lập từ thuở bé - Một sự ngỗ nghịch đáng ân hận suốt đời.
Chương II: Cuộc phiêu lưu bất ngờ - Làm đồ chơi cho trẻ con mà không biết. Lại anh Xiến Tóc cho tôi một bài học.
Chương III: Thoát khỏi cái lồng tù.
Chương IV: Ông anh Cả và ông anh Hai của Mèn - tri âm không đợi mà gặp.
Chương V: Một sự vô ý rất nguy hiểm – Địa thế và tình hình các xóm lầy lội - Vì lẽ gì mà Mèn và Trũi trốn đi được?
Chương VI: Tranh hùng với võ sĩ bọ ngựa - Chánh phó thủ lĩnh tổng châu chấu - Thề rằng sinh tử có nhau.
Chương VII: Tâm sự bác Xiến Tóc chán đời - Cái cớ khiến cho Mèn lại lên đường.
Chương VIII: Mèn bị tù - Những sự xảy ra cho Mèn khi bị giam trong hầm kín cho lão chim Trả - xa nhau lại gặp nhau.
Chương IX: Lại một chuyện rủi ro với các bạn kiến - Sự tức giận của mấy cô bé học trò - ai có công nhất?
Chương X: Mấy dòng tạm biệt của nhật ký.
Nội dung câu chuyện kể về chú Dế Mèn lớn lên cường tráng nhưng không biết dùng sức làm gì. Chưa hết hội hận vì trò nghịch gây cái chết cho dế Choắt thì chính Mèn lại rơi vào tay bọn trẻ ham trò chọi dế. Nhờ Xiến Tóc cảnh tỉnh, Mèn trốn được rồi tìm bạn cùng nhau đi xa, mở rộng tầm mắt và tìm nghĩa lí cuộc đời. Trải qua nhiều nguy hiểm. Mèn và Trũi đã tìm thêm được những người bạn đồng tâm là Châu Chấu, Voi rủ nhau đi thuyết phục các loài xây dựng một “thế giới đại đồng”, “muôn loài cùng kết làm anh em”. Truyện kết thúc khi Mèn và Trũi kết thúc tốt đẹp chuyến đi thứ hai và đang sửa soạn chuyến đi thứ ba để tiếp tục mang thông điệp “thế giới đại đồng” đến các loài khác.
Các em ạ! Loài dế là loài nhỏ bé thấp hèn phải can tâm chấp nhận, trong truyện có đoạn lũ trẻ bỏ dế vào vỏ diêm quẹt. Vậy là cuộc sống nhỏ bé của dế được nhà văn đánh thức mọi hành động để kêu gọi tuổi trẻ phải giữ vững ý chí mục đích cuộc sống là không để danh vọng địa vị làm sa sút ý chí phấn đấu, phải có tình bạn cao quý, sống chết có nhau. Chúng ta cảm nhận được qua tập truyện như cuộc đọ sức mạnh thắng - yếu thua, chúng ta muốn thắng kẻ thù thì cần có lòng kiên nhẫn, đoàn kết vững chắc mới đủ sức mạnh đối phó với kẻ thù.
Tập truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” nhà văn đã phiêu lưu ngọn bút giúp chúng ta nhận ra nhiều bài học hay, trong đó loài vật Dế Mèn đã gây ấn tượng sâu sắc. Cậu ấy có vẻ đẹp cường tráng, thông minh của tuổi trẻ, nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi. Đó là tính nết mà nhà văn Tô Hoài với ngụ ý nhằm tính chất răn đe, giáo dục.
Dế Mèn phiêu lưu ký được xem là những trang văn mẫu mực của văn học thiếu nhi. Dường như mọi câu, đoạn, hình ảnh đều tác động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm thẩm mĩ của người đọc.
Tác phẩm miêu tả cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn qua thế giới loài vật và loài người. Những vấn đề nóng hổi như là: cái thiện và cái ác, chiến tranh và hòa bình, lí tưởng và lẽ sống được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc.
Tác giả đã thổi vào tập truyện một làn gió mới hồn nhiên như một đàn bướm mở hội thi ca vào mùa xuân. Hầu hết những nhân vật mà tác giả muốn mô tả đều là loại côn trùng nhưng cũng đủ làm xôn xao tập truyện, làm cho người đọc phải say mê ngẩn ngơ theo từng cách hiểu, lời văn như hàm chứa đầy sự giáo dục.
Nhà xuất bản Kim Đồng đã “nâng cấp” tác phẩm thiếu nhi bất hủ này lên tầm cao mới khi tái bản tác phẩm với một diện mạo đẹp mắt và thu hút. Với kích thước sách và cỡ chữ lớn, lớp bìa cứng dày, chất lượng giấy tuyệt hảo và những tranh vẽ sinh động cùng với nội dung câu chuyện hấp dẫn, những tình tiết bất ngờ thú vị của chú Dế Mèn đã thu hút rất nhiều độc giả.
Các em thân mến! Để được chính mình phiêu lưu cùng với Mèn khám phá những điều bí ẩn của thế giới loài vật và quan trọng hơn hết để được chính mình cảm nhận cái hay của tập truyện “Dế Mèn phiêu lưu kí”, các em hãy nhanh chân tìm đọc ngay cuốn sách này nhé!