Những năm gần đâ !important;y, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, internet và các trang mạng xã hội (MXH) nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và sinh hoạt của con người.. Khi mà con người đã coi mạng xã hội là “môi trường xã hội”, thì văn hóa ứng xử ở đó lại là một vấn đề cần được quan tâm.
Mạng xã hội là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người. Nó đem con người đến gần với nhau hơn. Nó giúp người ta nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn. Và đặc biệt, nó giúp cho người truyền tải cảm hứng, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn. Tới đây, với cuộc cách mạng 4.0, các nhà khoa học còn mong muốn xây dựng sự tương tác mạnh mẽ hơn giữa thế giới ảo và thế giới thật. Dễ thấy, sự tác động của hai thế giới, “ảo” và “thật” đã gần nhau lắm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không hay đã diễn ra trên mạng xã hội cho thấy, việc cộng đồng trong xã hội kêu gọi xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết. Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng văn hóa phải xuất phát từ hai phía, từ cơ quan quản lý nhà nước và từ mỗi người dân.
Thực tế thời gian qua cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông nên đã hạn chế được nhiều tài liệu xấu độc từng được lưu truyền trên mạng xã hội. Các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter hay YouTube cũng đã thể hiện thái độ đồng tình, ủng hộ khi chấp hành đầy đủ việc gỡ bỏ những thông tin bịa đặt, xấu độc.
Cách đây khoảng chục năm, sự bùng nổ với nhiều hệ lụy của game online, các nhà chức trách ở nhiều nước đã quản lý tài khoản game qua số công dân. Việc này được cho là đã giảm tải, hạn chế rất nhiều tác động tiêu cực do game online gây ra. Tuy nhiên, mạng xã hội khác game online ở chỗ, người ta biết rõ con người sử dụng tài khoản nhưng lại không thể kiểm soát được những điều họ bình luận, tương tác với cộng đồng mạng. Do đó rất cần sự vào cuộc của cư dân mạng để xây dựng một nền văn hóa mạng trong sạch, lành mạnh.
Một số giải pháp:
Một là, nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức, làm cơ sở cho xác định thái độ, hành vi ứng xử văn hóa trên MXH
Ứng xử trên MXH luôn cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp, không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác. Biết cách chọn bạn và quản lý danh sách bạn bè, không nên quá nhiều bạn khiến cho việc kiểm soát thông tin khó khăn. Trước khi kết bạn với những người mới, cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng.
Suy nghĩ kỹ về những gì nói và đăng trên mạng, có trách nhiệm với lời nói, hành vi. Tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không nên “tay nhanh hơn não” đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý. Đưa hình ảnh phù hợp lên mạng, không đưa những hình ảnh hở hang, mang tính khiêu dâm hoặc bạo lực, ảnh selfie diễn ra ở những nơi không phù hợp (đám tang, tai nạn giao thông…). Đề phòng kẻ xấu có thể sử dụng những bức ảnh cho những mục đích không tốt đẹp. Trước khi đăng tải những bức ảnh và các câu chuyện của bạn bè cần có lời xin phép và được sự đồng ý của họ.
Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa ứng xử của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên MXH. Không nên dùng từ ngữ tục tĩu hoặc từ lạ không có trong từ điển tiếng Việt, không nên dùng tiếng lóng, từ viết tắt hoặc ngôn ngữ pha tạp. Phản ứng thận trọng trước các vấn đề nảy sinh trên MXH.
Hai là, tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, giúp mỗi người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia MXH
Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, phá rối của các thế lực phản động. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng.
Luật An ninh mạng quy định rõ những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử như: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng(5)…
Những quy định của Luật không xâm phạm đến quyền con người, không cản trở tự do ngôn luận, không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của cá nhân, tổ chức như những thông tin trên mạng xã hội, blog, web phản động tuyên truyền, xuyên tạc. Thực hiện đúng Luật nghĩa là bảo vệ chính mình, người thân và gia đình, đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia.
Ba là, Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn
Mặc dù việc điều chỉnh hành vi và xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng đã được quy định cụ thể trong Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, vẫn cần thiết ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, bởi quy tắc ứng xử không đưa ra chế tài xử lý như luật, chỉ đưa ra những chuẩn mực thái độ, hành vi ứng xử, có tác dụng định hướng, điều chỉnh, khuyến khích hoặc khuyến cáo, cảnh báo, nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, nâng cao văn hóa ứng xử cho người dùng MXH.
Theo đó, bộ quy tắc ứng xử trên MXH sẽ đưa ra các quy tắc chung bao gồm: tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Các quy tắc riêng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng phải tuân thủ theo các mức độ: Nên/không nên, được/không được. Chẳng hạn, người dùng MXH là cán bộ – viên chức – người lao động trong cơ quan nhà nước không được ứng xử trái với các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; hoặc người dân sử dụng MXH nên lên tiếng ủng hộ, chia sẻ những thông tin tích cực; dùng MXH có văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực.
Bốn là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh; phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức, cơ quan, nhà trường và gia đình trong xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH
Năm là, sử dụng các giải pháp về công nghệ hỗ trợ cho xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH
Ngoài việc áp dụng luật, quy tắc ứng xử, chế tài cụ thể, cần sử dụng các giải pháp về công nghệ, chẳng hạn như bảo mật thông tin cá nhân trên mạng, giữ bí mật mật khẩu, đặt chế độ cá nhân hoặc chỉ bạn bè thân thiết và tin cậy mới có thể xem; nghiên cứu sử dụng phần mềm lọc, ngăn chặn thông tin xấu, độc khi mới được đăng tải; nhờ các chuyên gia công nghệ thông tin tư vấn cách sử dụng MXH an toàn. Cơ quan chuyên trách nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên tìm kiếm những bài đăng sai sự thật, xúc phạm người khác, những hình ảnh phản cảm, gửi tới nhà cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, các MXH mà người dùng đăng tải và yêu cầu gỡ bỏ.
Như vậy, MXH thực sự là một bộ phận quan trọng trong “hệ sinh thái mới”, mang đến cho con người những lợi ích không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng MXH cũng ẩn chứa những mặt trái tạo nên những nguy cơ biến đổi văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử trên MXH nói riêng mà giới nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách và mỗi người cần quan tâm.