Trong không khí hối hả, rộn ràng của những ngày cuối năm, song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường tiểu học Thanh Am luôn chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đọc sách. Giúp các em học sinh phát triển toàn diện năng động, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018.
Thực hiện Kế hoạch công tác tháng 1 năm 2023 của nhà trường và sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc cha mẹ học sinh. Ngày 08/1/2023 Trường Tiểu học Thanh Am vui mừng tổ chức hoạt động giới thiệu sách Tháng 1 với chủ đề: “Ngày Tết quê em”. Với các nội dung chính như sau:
Phần 1: Giới thiệu cuốn sách “Cây nêu ngày Tết”
Ngày Tết được mọi người mong đợi vì có đêm giao thừa thiêng liêng với pháo hoa rực rỡ, có kì nghỉ Tết sum họp gia đình với bánh chưng và mứt Tết, có những phong bao lì xì đỏ rực niềm vui. Để tìm hiểu rõ hơn về ngày Tết cổ truyền dân tộc, hôm nay Thư viện trường xin giới thiệu với các thầy cô giáo cùng các em học sinh cuốn “Tuyển tập cổ tích Việt Nam chọn lọc - Cây Nêu Ngày Tết" do NXB Mỹ Thuật ấn hành, dày 252 trang, khổ 13,5 x 20,5cm với bìa sách đẹp, bắt mắt.
Cuốn sách “Cây Nêu Ngày Tết” là tập hợp những câu chuyện dân gian đặc sắc và lý thú được tuyển chọn trong kho tàng cổ tích Việt Nam, như: Sự tích dưa hấu; Sự tích trầu, cau và vôi; Sự tích Hồ Ba Bể; Sự tích Hồ Gươm; Gốc tích bánh chưng và bánh giầy… Những câu chuyện trên đưa thầy cô và các em học sinh trở về thế giới ngày xửa ngày xưa của cha ông ta.
Ảnh: Bìa cuốn sách “ Cây nêu ngày Tết”
Nội dung cuốn sách “Cây Nêu Ngày Tết” kể về ngày xưa đất nước bị loài quỷ chiếm đoạt. Con người chỉ được ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của quỷ. Con người muốn làm điều gì phải chờ lệnh của quỷ. Có miếng ngon, người phải biếu quỷ trước… Cuối cùng, nhờ có sự mách bảo của Phật, người đã đuổi được lũ quỷ rồi từ đó con người được yên ổn làm ăn. Lũ quỷ van xin, Phật thương tình chấp thuận cho chúng một năm được về thăm viếng phần mộ tổ tiên vào dịp Tết. Để ngăn không cho lũ quỷ bén mảng vào nơi ở, con người đã trồng cây nêu trước nhà vào những ngày này. Câu chuyện là sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc về cây nêu, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Qua cuốn sách, thầy cô và các em học sinh sẽ rút ra được nhiều bài học ý nghĩa.
Phần 2: Giới thiệu cuốn sách “bánh chưng bánh giầy”
Ảnh: Bìa cuốn sách “ Bánh chưng bánh giầy”
Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam đó là món bánh chưng xanh. Vì sao có bánh chưng xanh? Vì sao bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy ? Nhân dịp giới thiệu sách tháng 1 với chủ điểm “Ngày tết quê em” chào đón tết Giáp Thìn 2024, thư viện trường Tiểu học Thanh Am xin gửi tới các thầy cô giáo và các con học sinh một cuốn sách rất ý nghĩa - đó là cuốn “Sự tích bánh Chưng, bánh Giầy”, tranh Hoàng Khắc Huyên do NXB Mỹ Thuật ấn hành năm 2014. Cuốn sách có khổ 17 x 24cm được in trên bìa cứng dày, với những hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt.
Truyện kể rằng: Ngày xưa ở nước ta, trong số các con của Vua Hùng Vương thứ 6 có một hoàng tử tên là Lang Liêu. Các hoàng tử khác đều văn hay võ giỏi, nhưng đều không thích lao động chân tay, chỉ riêng có hoàng tử Lang Liêu là chăm chỉ và yêu thích trồng trọt. Chàng thường cùng vợ con về quê hương vỡ ruộng, cuốc bãi, cùng bà con nông dân trồng lúa gạo, hoa màu. Khi vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, Vua phán truyền “ Đến ngày hội lớn đầu năm, ai dâng được của ngon vật lạ nhất để cúng trời đất sẽ được ta truyền ngôi cho”.
Vào ngày hội lớn đầu năm, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Các hoàng tử mang của ngon vật lạ các nơi về đông đủ. Bên cạnh những thứ đó, lễ vật của Lang Liêu lại rất đơn giản. Nhưng sau khi nghe Lang Liêu tâu trình về cách làm và ý nghĩa của hai loại bánh. Nhà Vua bèn chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh giầy. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chưng và giã bánh giầy trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Ảnh: Lang Liêu cùng vợ con làm bánh giầy
Ảnh: Lang Liêu mang dâng bánh tặng vua cha
Ngoài những cuốn sách : “ Cây nêu ngày Tết” và “Sự tích bánh Chưng bánh Giầy”, thư viện trường Tiểu học Thanh Am còn khuyến khích các em học sinh sưu tầm về: “ Ca dao, tục ngữ ngày Tết”. Để tìm hiểu thêm về ngày Tết cổ truyền, xin kính mời quý thầy cô và các con cùng đến thư viện để tìm đọc.
Đây cũng là dịp các em học sinh được thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước, hiểu thêm về bản sắc dân tộc Việt Nam. Từ đó giúp hình thành và phát triển cho các em về phẩm chất, nhân cách và các năng lực tâm lý, xã hội, tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân, làm tiền đề cho mỗi cá nhân tạo dựng được sự nghiệp và cuộc sống sau này.
Năm Quý Mão sắp qua, một năm có khá nhiều những khó khăn và thách thức với thầy và trò trường Tiểu học Thanh Am Song với lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm, tập thể sư phạm nhà trường đã liên tục chinh phục và gặt hái các thành công rực rỡ trong các hoạt động chuyên môn cũng như các chuyên đề và ngoại khóa. Chào đón năm mới – xuân Giáp Thìn, nhà trường xin gửi lời kính chúc một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn đến với mọi người, mọi nhà. Happy new year!